Thông tư ,24/2025/TT-BCT

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về lập, thẩm quyền phê duyệt, thời điểm phê duyệt, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt và gửi kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước liên quan đến lập và phê duyệt kế hoạch rủi ro trong khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rủi ro trong khai thác khoáng sản là khả năng gặp những nguy cơ tiềm ẩn gây ra sự cố, tai nạn, thương tích, bệnh nghề nghiệp, thiệt hại về tài sản, ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản.

2. Quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm đảm bảo tất cả rủi ro được xác định, phân tích, đánh giá, xử lý đối với tất cả các công trình, máy, thiết bị, dây chuyền, quá trình công nghệ và trong tất cả các giai đoạn hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Đánh giá rủi ro trong khai thác khoáng sản là việc phân tích, nhận diện nguy cơ và các yếu tố nguy hiểm, có hại nhằm chủ động phòng ngừa sự cố, tai nạn trong khai thác khoáng sản.

4. Đánh giá mức độ rủi ro là đánh giá các mối nguy hiểm đã được xác định căn cứ vào khả năng xảy ra và hậu quả của mối nguy hiểm.

5. Ứng cứu khẩn cấp trong khai thác khoáng sản là hệ thống các hoạt động theo một quy trình định sẵn bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả trong những tình huống khẩn cấp do sự cố, tai nạn gây ra trong khai thác khoáng sản. 

6. Kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản là hoạt động xây dựng hệ thống các quy định, quy trình nhằm tìm ra các mối nguy hiểm có thể xảy ra để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, giảm thiểu tối đa những rủi ro có khả năng phát sinh trong quá trình khai thác khoáng sản, bao gồm báo cáo quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

7. Công trình hầm lò là hệ thống đường lò, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống vận tải, hệ thống thông gió trong hầm lò và các công trình khác trong hầm lò phục vụ cho công tác khai thác khoáng sản.

8. Công trình mỏ lộ thiên là các công trình khai đào nằm trong biên giới mỏ lộ thiên.

Chương II

LẬP VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ RỦI RO

TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 4. Lập kế hoạch quản lý rủi ro

1. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò phải lập kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản theo các nội dung quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.  

2. Kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản có thể được lồng ghép, tích hợp với đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp khác theo pháp luật chuyên ngành.

 Điều 5. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro

1. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tự phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản trước khi thi công công trình mỏ lộ thiên đối với dự án đầu tư khai thác mới; tự phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 đối với dự án đầu tư khai thác đang trong quá trình thi công công trình mỏ lộ thiên hoặc đã đi vào vận hành.

2. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò lập kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như sau:

a) Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Thông tư này phê duyệt;

b) Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Thông tư này phê duyệt.

Điều 6. Thời điểm phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro bằng phương pháp hầm lò

Thời điểm phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, quy định như sau:

1. Đối với dự án đầu tư khai thác mới, phải được phê duyệt chậm nhất 07 ngày làm việc trước khi thi công và trước khi đưa công trình hầm lò vào sử dụng;

2. Đối với dự án đầu tư khai thác đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ, phải được phê duyệt chậm nhất 07 ngày làm việc trước khi đưa công trình vào sử dụng;

3. Đối với dự án đầu tư khai thác đã đi vào vận hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2025, phải được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2027.

Điều 7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò

1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Kế hoạch quản lý rủi ro theo Mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này tới cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính quốc gia hoặc của cơ quan có thẩm quyền;

d) Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Gửi kế hoạch quản lý rủi ro

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản có trách nhiệm gửi kế hoạch quản lý rủi ro được phê duyệt cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, quản lý trên địa bàn.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản

1. Tuân thủ các quy định của Thông tư này và pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung của kế hoạch quản lý rủi ro được phê duyệt.

3. Định kỳ hàng năm cập nhật kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản và cập nhật khi có sự thay đổi: Mục tiêu, chính sách về an toàn; tổ chức về công tác an toàn; danh mục máy, thiết bị, phương tiện, vật tư và hóa chất; công nghệ, tổ chức sản xuất; sau khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; sơ đồ tổ chức, phân định trách nhiệm, hệ thống báo cáo khi xảy ra sự cố, tai nạn; địa chỉ liên lạc và thông tin trong ứng cứu khẩn cấp.

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

1. Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá và phê duyệt hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.

2. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định trong việc lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền về lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá và phê duyệt hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.

2. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định trong việc lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền.

3. Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền về lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Bãi bỏ cụm từ “công nghiệp khai thác mỏ và” tại Điều 1 Thông tư số 43/2010/TT-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định công tác quản lý an toàn trong ngành Công thương.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) để được hướng dẫn, giải quyết./.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *