Nghị định 183/2025/NĐ-CP

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 156/2018/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

1. Bổ sung khoản 12, khoản 13 sau khoản 11 Điều 3 như sau:

“12. Cây dược liệu trong rừng là những loài thực vật, nấm sinh trưởng, phát triển trong rừng, cung cấp nguyên liệu làm thuốc và các công dụng khác phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.

13. Thu hoạch cây dược liệu là quá trình khai thác toàn bộ hoặc một phần bộ phận của cây dược liệu được nuôi, trồng phát triển trong rừng.”

2. Bổ sung Mục 4a sau Mục 4 Chương II như sau:

“Mục 4a

NUÔI, TRỒNG PHÁT TRIỂN, THU HOẠCH CÂY DƯỢC LIỆU TRONG RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG SẢN XUẤT

Điều 32a. Nguyên tắc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

1. Việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng phải bảo đảm duy trì diện tích rừng, chất lượng rừng, diễn thế tự nhiên và mục đích sử dụng của khu rừng; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất, dưới lòng đất và tuân thủ theo quy định của Nghị định này.

2. Cây dược liệu nuôi, trồng phát triển trong rừng có đặc điểm sinh thái thích hợp với điều kiện lập địa của khu vực, thuộc danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc các cây dược liệu khác có giá trị y tế và kinh tế cao ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3. Không lợi dụng hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu để thu hoạch cây dược liệu tự nhiên trong rừng; sản phẩm cây dược liệu sau thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng, không được ngâm, ủ, sấy, bảo quản và chế biến cây dược liệu trong rừng.

4. Chế độ quản lý về khai thác, điều kiện, cấp mã số cơ sở trồng cấy cây dược liệu thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

5. Trường hợp rừng sản xuất là rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư, chủ rừng tự quyết định việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu nhưng không được thay đổi mục đích sử dụng của khu rừng.

Điều 32b. Hình thức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

1. Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ:

a) Chủ rừng là tổ chức được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan theo phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững;

b) Chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan theo phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh; những khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ, vùng bờ biển bị xói lở thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Trường hợp nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản báo cáo đánh giá chi tiết về vị trí, địa điểm có thể nuôi, trồng phát triển cây dược liệu mà vẫn bảo đảm an toàn và khả năng phòng hộ của khu rừng (về ngăn chặn lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp) để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 32đ và điểm đ khoản 3 Điều 32e Nghị định này.

2. Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu:

a) Chủ rừng là tổ chức được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan theo phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững;

b) Chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được hợp tác, liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan theo phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tự tổ chức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu tự quyết định việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định của pháp luật. Khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết tổ chức theo nhóm để xây dựng và thực hiện phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu.

Điều 32c. Phương thức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

1. Phương thức nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng:

a) Đối với rừng đặc dụng: trồng phân tán hoặc trồng theo đám bảo đảm phân bố đều trên lô rừng, tổng diện tích nuôi, trồng phát triển cây dược liệu không vượt quá một phần ba diện tích lô rừng;

b) Đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất: thực hiện theo phương thức sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp theo quy định tại Điều 25, Điều 30 Nghị định này.

2. Phương thức thu hoạch cây dược liệu trong rừng:

a) Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu được tự quyết định việc thu hoạch cây dược liệu từ việc nuôi, trồng phát triển trong rừng theo quy định của Nghị định này;

b) Trước khi thu hoạch, chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân gửi Phiếu thông tin thu hoạch cây dược liệu đến cơ quan Kiểm lâm sở tại theo Mẫu số 08 tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định này để quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 32d. Nội dung phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

1. Nội dung phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là tổ chức.

Nội dung phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này. Nội dung chính của phương án gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội trong khu vực; hiện trạng rừng về diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng; hiện trạng, tiềm năng nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung của phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu;

c) Xác định địa danh, quy mô, diện tích, loài cây dược liệu dự kiến thực hiện nuôi, trồng phát triển, thu hoạch trong giai đoạn thực hiện phương án;

d) Xác định phương thức nuôi, trồng phát triển cây dược liệu;

đ) Luân kỳ chuyển đổi vị trí nuôi, trồng phát triển cây dược liệu sang vị trí nuôi, trồng mới bảo đảm không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng; không ảnh hưởng đến tái sinh của rừng trong trường hợp nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

e) Xác định hình thức tổ chức thực hiện nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu: tự tổ chức hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng;

g) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển, phục hồi rừng ở khu vực nuôi, trồng phát triển cây dược liệu;

h) Giải pháp và tổ chức thực hiện;

i) Kiểm tra, giám sát.

2. Nội dung phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Nội dung phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này. Nội dung chính của phương án gồm:

a) Hiện trạng tài nguyên rừng, loài cây dược liệu, tiềm năng nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu;

b) Xác định địa danh, quy mô, diện tích, loài cây dược liệu dự kiến thực hiện nuôi, trồng phát triển, thu hoạch trong giai đoạn thực hiện phương án;

c) Xác định phương thức nuôi, trồng phát triển cây dược liệu;

d) Luân kỳ chuyển đổi vị trí nuôi, trồng phát triển cây dược liệu sang vị trí nuôi, trồng mới đảm bảo không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng, không ảnh hưởng đến tái sinh của rừng trong trường hợp nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

đ) Xác định hình thức tổ chức thực hiện nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu: tự tổ chức hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết;

e) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, phục hồi rừng ở khu vực nuôi, trồng phát triển cây dược liệu;

g) Kiểm tra, giám sát.

Điều 32đ. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là tổ chức

1. Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 32d Nghị định này.

2. Hồ sơ phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng, gồm:

a) Tờ trình của chủ rừng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này (bản chính);

b) Phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại khoản 1 Điều này (bản chính);

c) Các loại bản đồ (bản chính) gồm: bản đồ hiện trạng rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016; bản đồ khu vực nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016 thể hiện các khu vực, diện tích dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu.

3. Trình tự thẩm định, phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

a) Chủ rừng nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan chuyên môn được phân công thuộc bộ, ngành đối với chủ rừng là tổ chức thuộc bộ, ngành quản lý hoặc đến Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với chủ rừng là tổ chức thuộc địa phương quản lý.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết để hoàn thiện và nêu rõ lý do.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này tổ chức thẩm định bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hồ sơ và nội dung của phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này.

c) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này.

d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến thẩm định của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm hoàn thành thẩm định. Trường hợp thẩm định không đạt, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết và nêu rõ lý do.

đ) Trường hợp thẩm định đạt, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan chuyên môn được phân công thuộc bộ, ngành (đối với chủ rừng thuộc bộ, ngành quản lý) hoặc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (đối với chủ rừng thuộc địa phương quản lý) quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này. Hồ sơ trình phê duyệt gồm: Tờ trình của bộ phận tiếp nhận hồ sơ; tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kết quả thẩm định và hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Nội dung lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu gồm:

a) Sự phù hợp với hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong phương án quản lý rừng bền vững khu rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Sự phù hợp về địa điểm, quy mô, tỷ lệ sử dụng diện tích dưới tán rừng; loài cây dược liệu dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch; phương thức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch; thời gian chuyển đổi vị trí nuôi, trồng phát triển cây dược liệu và dự kiến sản lượng thu hoạch, bảo đảm theo quy định tại Điều 32a và Điều 32b Nghị định này;

c) Thời gian và phương thức tổ chức thực hiện;

d) Giải pháp về bảo vệ rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và huy động vốn, nguồn lực đầu tư;

đ) Các nội dung khác (nếu có).

5. Cơ quan quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án. Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 32e. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư

1. Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 32d Nghị định này.

2. Hồ sơ phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ rừng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này (bản chính);

b) Bảng tổng hợp danh sách hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân liên kết tổ chức theo nhóm hộ xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo Mẫu số 05 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này (bản chính);

c) Phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại khoản 1 Điều này (bản chính);

d) Các loại bản đồ (bản chính) gồm: bản đồ hiện trạng rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016; bản đồ khu vực nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016 thể hiện các khu vực, diện tích dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu đối với trường hợp chủ rừng hợp tác, liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu hoặc sơ đồ khu vực nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu thể hiện các khu vực; diện tích dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu đối với trường hợp chủ rừng tự tổ chức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

3. Trình tự thẩm định, phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng

a) Chủ rừng nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan chuyên môn được phân công thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết và nêu rõ lý do.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này tổ chức thẩm định bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hồ sơ và nội dung của phương án theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này.

c) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này.

d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến thẩm định của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm hoàn thành thẩm định. Trường hợp thẩm định không đạt, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết và nêu rõ lý do.

đ) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ do cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này. Hồ sơ trình phê duyệt gồm: Tờ trình của cơ quan tiếp nhận hồ sơ; tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kết quả thẩm định và hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Nội dung lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng, gồm:

a) Sự phù hợp của phương án về địa điểm, quy mô, tỷ lệ sử dụng diện tích dưới tán rừng; loài cây dược liệu dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch; thời gian chuyển đổi vị trí nuôi, trồng phát triển cây dược liệu và dự kiến sản lượng thu hoạch, bảo đảm theo quy định tại Điều 32a và Điều 32b Nghị định này;

b) Thời gian tổ chức thực hiện và phương thức thực hiện;

c) Giải pháp về bảo vệ rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; giải pháp huy động vốn, nguồn lực đầu tư;

d) Các nội dung khác (nếu có).

5. Cơ quan quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án. Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 32g. Cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là tổ chức

1. Việc cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu phải được chủ rừng thông báo công khai, rộng rãi trong thời gian tối thiểu là 30 ngày, bằng các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc; đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có); đăng trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp của chủ rừng; một trong các báo chuyên ngành về đấu thầu.

2. Nội dung thông báo gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thông tin chung về chủ rừng;

b) Vị trí, diện tích, địa điểm dự kiến cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu;

c) Tóm tắt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng quy định tại khoản 3 Điều này;

đ) Thời gian, địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký.

3. Chủ rừng tổ chức xây dựng hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng. Hồ sơ kỹ thuật trước khi thông báo công khai phải được chủ rừng quyết định phê duyệt, bao gồm các tiêu chí cơ bản sau đây:

a) Năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu;

b) Phương án tổ chức kinh doanh phù hợp với phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu của khu rừng được phê duyệt;

c) Phương án đầu tư tài chính; dự kiến nguồn thu và phương án giá thuê môi trường rừng;

d) Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng;

đ) Cam kết thời gian thực hiện hợp đồng, thời gian khai thác, phát sinh doanh thu;

e) Ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân đã nhận giao khoán bảo vệ rừng được đánh giá là thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

g) Các điều kiện chuyên môn khác về quản lý rừng bền vững và tiêu chí khác do chủ rừng quyết định mà không trái với quy định pháp luật.

Các tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật được quy ra số điểm để làm căn cứ đánh giá, lựa chọn với quy định điểm tối thiểu đủ điều kiện đạt của từng tiêu chí; tổng số điểm các tiêu chí đánh giá của hồ sơ kỹ thuật là 100, trong đó quy định tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện khi đạt được điểm tối thiểu của tất cả các tiêu chí và tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện.

4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu lập hồ sơ đăng ký theo các yêu cầu của chủ rừng được quy định tại khoản 2 Điều này, nộp cho chủ rừng.

5. Đánh giá, lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng

Chủ rừng căn cứ hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân, tổ chức đánh giá để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm theo tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình.

Trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, chủ rừng tiến hành đàm phán, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, bảo đảm giá cho thuê môi trường rừng không thấp hơn 5% tổng doanh thu thực hiện trong năm thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng. Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên đủ điều kiện thì chủ rừng lựa chọn tổ chức, cá nhân có số điểm đánh giá hồ sơ cao nhất; trong đó, yếu tố giá là một tiêu chí trong hồ sơ kỹ thuật, bảo đảm không thấp hơn 5% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.

6. Giá cho thuê môi trường rừng trong hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu và phải quy ra giá trị tuyệt đối để chủ rừng đánh giá, được ghi rõ trong hợp đồng cho thuê môi trường rừng.

Trường hợp sau khi ký hợp đồng, tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu theo thực tế được quy ra giá trị tuyệt đối thấp hơn mức giá trị tuyệt đối ghi trong hợp đồng ký kết thì số tiền tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng nộp cho chủ rừng tối thiểu bằng số tiền ghi trong hợp đồng.

Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng thì không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng theo quy định tại Nghị định này. Tiền thuê môi trường rừng là nguồn thu của chủ rừng được sử dụng phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống cho chủ rừng.

7. Thời gian cho thuê môi trường rừng theo chu kỳ cây trồng nhưng không quá 10 năm, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu gia hạn, thì chủ rừng xem xét tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê; thời gian kéo dài theo chu kỳ cây trồng nhưng không quá hai phần ba thời gian thuê lần đầu.

8. Sau khi lựa chọn được tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, chủ rừng thực hiện ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo Mẫu số 09 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này và báo cáo kết quả về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, theo dõi, giám sát.

9. Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng tài nguyên rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

10. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn và đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu có nhu cầu thực hiện thêm hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trên phần diện tích đã thuê môi trường rừng thì xây dựng hồ sơ đăng ký gửi chủ rừng để xem xét, đánh giá, nếu đủ điều kiện theo quy định, các bên điều chỉnh, bổ sung nội dung nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu và giá thuê môi trường rừng trong hợp đồng đã ký kết theo quy định tại Điều này; thời gian thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu thực hiện theo quy định tại Điều này.

11. Trường hợp chủ rừng cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để đồng thời kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng, việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường phải đảm bảo các nội dung được quy định tại Điều này và các nội dung theo quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại các Điều 14, 23 và 32 Nghị định này.”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

a) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại Nghị định này;

b) Hướng dẫn việc nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu; phổ biến kỹ thuật nuôi, trồng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Y tế:

a) Ban hành, cập nhật, bổ sung danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tiễn;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo phát triển vùng nuôi, trồng phát triển cây dược liệu, tập trung vào các loại dược liệu mà Việt Nam có lợi thế, có giá trị kinh tế cao.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng tại địa phương theo đúng quy định tại Nghị định này;

b) Chỉ đạo ban hành danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao ngoài danh mục do Bộ Y tế ban hành, phù hợp với điều kiện ở địa phương và pháp luật khác có liên quan;

c) Hướng dẫn việc nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu; phổ biến kỹ thuật nuôi, trồng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng; hướng dẫn chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định này;

đ) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, kiểm tra chủ rừng thực hiện các hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại Nghị định này.

e) Triển khai đầy đủ các chính sách hiện hành về phát triển cây dược liệu; chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đầu tư trong hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

5. Chủ rừng

a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại Nghị định này;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết, thực hiện hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo đúng quy định của pháp luật và Nghị định này. Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng, nếu tổ chức, cá nhân không triển khai thực hiện, chủ rừng xem xét chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, trở ngại khách quan trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý và các trường hợp bất khả kháng khác do hai bên thỏa thuận.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2025.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *